Thân Hữu Đồng Công - Hải Ngoại

Giáo Hội Hiện Thế - Thời khoảng 9-10/6-2025

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa, 

Tiếp tục với Hiến Chế "Vui Mừng và Hy Vọng" trong Năm Thánh 2025 cho "Những người lữ hành hy vọng": 

22.  Chúa Kitô, Con Người Mới (tiếp). Con người Kitô hữu khi trở nên giống hình ảnh Chúa Con là Trưởng Tử trong đoàn anh em đông đúc, họ nhận được "những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần" (Rm 8,23), nhờ đó họ có thể chu toàn lề luật yêu thương mới. Nhờ Thánh Thần làm 'bảo chứng cho quyền thừa tự' (Eph 1,14), toàn thể con người được canh tân từ nội tâm cho tới khi 'thân xác được cứu rỗi' (Rm 8,23): 'Nếu Thánh Thần Chúa là Ðấng đã khiến Chúa Giêsu từ kẻ chết sống lại cư ngụ trong anh em, chính Ðấng đã khiến Chúa Giêsu Kitô từ kẻ chết sống lại đó cũng sẽ làm sống động thân thể hay hư nát của anh em nhờ Thánh Thần Ngài ở cùng anh em', (Rm8,11). Người Kitô hữu chắc chắn cần thiết và có bổn phận chiến đấu chống sự dữ khi phải trải qua nhiều gian nan cũng như phải chết nữa. Nhưng vì được dự phần vào mầu nhiệm phục sinh, được đồng hóa với cái chết của Chúa Kitô, được mạnh mẽ nhờ đức cậy, họ sẽ được sống lại.

Ðiều nói trên không phải chỉ có giá trị cho các tín hữu nhưng cho tất cả những ai có thiện chí được ơn thánh hoạt động một cách vô hình trong tâm hồn. Thực vậy, vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, cho nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh ấy, cách nào đó chỉ có Chúa biết thôi.

Ðó là tính chất và sự cao cả của mầu nhiệm con người, mầu nhiệm được Mạc Khải Kitô giáo soi sáng cho các tín hữu. Vậy nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ, bí ẩn đó đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc Âm. Chúa Kitô đã sống lại nhờ sự chết của mình. Người đã hủy diệt sự chết và Người đã ban cho ta dồi dào sự sống để là con cái trong Chúa Con chúng ta kêu lên trong Thánh Thần: Abba, lạy Cha!"

Giờ đây, chúng ta cùng nhau theo dõi tình hình Giáo Hội Hiện Thế ngày 9-10/6/2025 dưới đây:

Giáo hoàng
ĐTC Lêô XIV chủ sự Thánh lễ Ngày Năm Thánh của Tòa Thánh

Bài giảng của ĐTC Lêô XIV lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

Giáo hội

Trại hè của Đài quan sát thiên văn Vatican: cơ hội chứng minh rằng khoa học và đức

Tổng Giám mục Gomez kêu gọi bình tĩnh và kiềm chế khi các cuộc biểu tình bùng nổ ở Los Angeles

Tòa Thánh và Quốc Gia Thành Vatican – ĐHY Ghirlanda: “Cải tổ Giáo triều

Công đồng Nixêa và hành trình hiệp nhất giữa Công giáo và Chính Thống giáo

Tỷ lệ Kitô hữu trên toàn cầu giảm, các tín đồ Hồi giáo tăng (2010–2020)

León de Perú: Phim tài liệu mới của Vatican Media về những năm tháng truyền giáo
Quốc tế

NATO: Phương Tây cần tăng chi tiêu quân sự hoặc bắt đầu học tiếng Nga
Hoa kỳ

Tổng quan diễn biến các cuộc biểu tình ở Los Angeles

Tin đồn 'đổ thêm dầu vào lửa' biểu tình ở Los Angeles

Los Angeles áp lệnh cấm tụ họp ở toàn bộ khu trung tâm

Từ cuộc truy quét nhập cư đến biểu tình, đụng độ ở Los Angeles

Mỹ : TT Trump điều Vệ binh Quốc gia tới Los Angeles để giải tán biểu tình

Tranh cãi việc ông Trump gia tăng sử dụng quyền lực khẩn cấp

Đông Âu
Nga - Ukraine trao đổi tù binh dưới 25 tuổi: 'Mẹ ơi, con về rồi'

Khảo sát: 43% người dân Ukraine sẵn sàng nhượng bộ lãnh thổ hạn chế cho Nga

Nga phá hủy hầu hết xe tăng Abrams của Mỹ gửi đến Ukraine

Ukraine tuyên bố hạ 100% tên lửa Kinzhal, Kh-101 trong đòn tập kích của Nga

Cơn thịnh nộ của Nga: Ồ ạt trả đũa Ukraine vì chiến dịch Mạng nhện

Trung Đông

5 nước áp lệnh trừng phạt với hai Bộ trưởng Israel

Quân đội Lebanon dọa ngưng hợp tác với ủy ban đình chiến vì các cuộc không kích của Israel

Israel chặn tàu cứu trợ chở Greta Thunberg đến Gaza

Syria thời hậu Assad : Từ đống tro tàn đến ngưỡng cửa dân chủ
Việt Nam

Bắt nhóm người Trung Quốc mang nhiều súng đạn, ma túy vào Việt Nam

Việt Nam bây giờ ‘thoát Trung’ còn kịp không? (Bài 2)

Việt Nam 'xây đường băng dài 3.000 mét ở Trường Sa', gây áp lực lên Bắc Kinh?

Người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ: Việt Nam trong tôi như một con rồng
Nhân Bản

Bảo vệ đại dương, di sản chung của nhân loại

Hội nghị Đại dương LHQ lần 3 khai mạc tại Nice, Pháp, TT Macron kêu gọi cứu đại dương

Sư tử tha mạng cho một người đang ngủ say ở Ấn Độ?
Tai Họa

Xả súng tại trường học ở Áo, 10 người chết

Phi cơ chở 6 người rơi xuống biển San Diego, không ai sống sót

Bài giảng của ĐTC Lêô XIV lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

Vào lúc 10h30, Chúa Nhật ngày 08 tháng 06 năm 2025 tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Lêô chủ sự Thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trong dịp Năm Thánh các Phong trào, các Hiệp hội và các Cộng đoàn.

Anh chị em thân mến,

"Ngày được chờ mong đã bừng sáng cho chúng ta, ngày mà Đức Giêsu Kitô, sau khi sống lại và được tôn vinh khi lên trời, đã ban Chúa Thánh Thần." (Thánh Augustinô, Bài giảng 271,1). Và hôm nay, chính điều đã xảy ra trong nhà Tiệc Ly lại được tái diễn: như một luồng gió mạnh lay động chúng ta, như một âm vang thức tỉnh chúng ta, như một ngọn lửa chiếu sáng chúng ta, hồng ân của Chúa Thánh Thần lại tuôn đổ xuống trên chúng ta (x. Cv 2,1-11).

Như bài đọc một chúng ta vừa nghe, Chúa Thánh Thần đã thực hiện một điều phi thường trong đời sống các Tông Đồ. Sau cái chết của Đức Giêsu, các ông sống trong sợ hãi và buồn bã. Nhưng giờ đây, các ông được ban một cái nhìn mới và một trí hiểu trong lòng, giúp các ông giải thích các biến cố đã xảy ra, và cảm nghiệm cách sâu xa sự hiện diện của Đấng Phục Sinh: Chúa Thánh Thần đã chiến thắng nỗi sợ của các ông, phá tan xiềng xích trong tâm hồn, xoa dịu những vết thương, xức dầu sức mạnh và ban cho các ông lòng can đảm để bước ra loan báo các kỳ công của Thiên Chúa.

Sách Công vụ Tông đồ thuật lại rằng: vào thời điểm đó, tại Giêrusalem có một đám đông đến từ nhiều nơi khác nhau, thế nhưng, “ai nấy đều nghe các ông nói bằng tiếng bản xứ của mình” (Cv 2,6). Vậy là, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, cánh cửa của nhà Tiệc Ly được mở ra, vì chính Chúa Thánh Thần mở ra các biên giới. Như Đức Bênêđictô XVI đã nói: “Chúa Thánh Thần ban cho khả năng hiểu biết. Ngài vượt qua sự chia rẽ đã bắt đầu tại Babel – sự hỗn loạn của tâm hồn khiến con người chống lại nhau – và Ngài mở ra các biên giới. [...] Giáo hội luôn phải trở thành điều mà chính mình vốn là: phải mở ra các biên giới giữa các dân tộc, phá tan rào cản giữa các tầng lớp và chủng tộc. Trong Giáo hội không thể có người bị lãng quên hay bị khinh thường. Trong Giáo hội, tất cả đều là những anh chị em tự do trong Đức Kitô” (Bài giảng Lễ Hiện Xuống, 15.05.2005).

Đây chính là hình ảnh sống động của Lễ Hiện Xuống mà tôi muốn cùng anh chị em dừng lại để chiêm niệm.

1. Thánh Thần mở các biên giới, trước hết, trong lòng chúng ta

Ngài là Hồng ân mở lòng chúng ta ra với tình yêu. Sự hiện diện này của Chúa làm tan chảy những cứng cỏi, những khép kín, những ích kỷ và nỗi sợ trói buộc chúng ta, cũng như giải thoát chúng ta khỏi thói tự mãn và chủ nghĩa cá nhân khiến ta chỉ xoay quanh chính mình. Thật buồn khi thấy rằng, trong một thế giới đầy cơ hội để kết nối, chúng ta lại có nguy cơ ngày càng cô đơn hơn, luôn luôn trực tuyến mà chẳng thể xây dựng một “mạng lưới”, sống giữa đám đông mà vẫn như những lữ khách cô độc và lạc lõng.

Ngược lại, Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta một cách sống mới, mở chúng ta ra để gặp gỡ chính mình vượt khỏi những chiếc mặt nạ, dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa bằng cách giúp chúng ta cảm nghiệm niềm vui của Ngài. Chúa Thánh Thần thuyết phục chúng ta – như chính lời Chúa Giêsu vừa được công bố – rằng chỉ khi ở lại trong tình yêu, chúng ta mới có sức sống để tuân giữ lời Ngài và được biến đổi. Ngài mở ra các biên giới trong nội tâm, để cuộc đời chúng ta trở nên một không gian hiếu khách.

2. Thánh Thần mở các biên giới trong các mối tương quan của chúng ta.

Thật vậy, Chúa Giêsu nói rằng Thánh Thần là tình yêu giữa Người và Chúa Cha, và tình yêu ấy đến cư ngụ trong chúng ta. Và khi tình yêu Thiên Chúa ở trong lòng ta, ta có khả năng mở ra với anh chị em, vượt thắng sự cứng nhắc, vượt qua nỗi sợ đối với người khác biệt, điều chỉnh những đam mê hỗn loạn trong ta. Chúa Thánh Thần cũng biến đổi những nguy cơ ẩn giấu đang đầu độc các mối quan hệ, như hiểu lầm, định kiến, hay lợi dụng lẫn nhau. Với nỗi đau sâu sắc, tôi cũng nghĩ đến những mối quan hệ bị nhiễm độc bởi ý muốn thống trị người khác, một thái độ thường dẫn đến bạo lực, như những vụ femminicidio (giết hại phụ nữ) gần đây cho thấy.

Trái lại, Chúa Thánh Thần làm trổ sinh trong ta những hoa trái giúp ta sống các mối tương quan chân thật và tốt lành: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, hiền hòa, trung tín, hiền từ và tiết độ” (Gl 5,22). Bằng cách ấy, Thánh Thần mở rộng biên giới các tương quan giữa chúng ta, và dẫn đưa chúng ta vào niềm vui của tình huynh đệ. Đây cũng là một tiêu chuẩn then chốt cho Giáo hội: chúng ta chỉ thật sự là Giáo hội của Đấng Phục Sinh, là môn đệ của Lễ Hiện Xuống, nếu giữa chúng ta không có biên giới hay chia rẽ; nếu biết đối thoại, biết đón nhận nhau, hòa nhập những khác biệt, và nếu chính Giáo hội trở thành một nơi hiếu khách cho tất cả mọi người.

3. Cuối cùng, Thánh Thần mở các biên giới giữa các dân tộc.

Vào ngày Lễ Hiện Xuống, các Tông Đồ nói được ngôn ngữ của những người mình gặp gỡ, và sự hỗn loạn của Babel được hóa giải bởi sự hài hòa do Thánh Thần tạo nên. Sự khác biệt, khi được Thánh Thần liên kết các tâm hồn và giúp ta nhận ra gương mặt người anh em nơi tha nhân, không còn là nguyên nhân của chia rẽ, nhưng trở thành một kho tàng chung, từ đó mọi người có thể cùng nhau bước đi trong tình huynh đệ.

Chúa Thánh Thần phá vỡ các biên giới và đạp đổ bức tường của thù hận, bởi Ngài “sẽ dạy anh em mọi điều và nhắc nhở anh em tất cả những gì Thầy đã nói” (x. Ga 14,26). Và vì vậy, điều đầu tiên Ngài dạy và ghi khắc trong tim ta chính là giới răn yêu thương, mà Chúa Giêsu đã đặt làm trung tâm và đỉnh cao của tất cả. Nơi nào có tình yêu, thì không còn chỗ cho định kiến, cho những khoảng cách an toàn khiến ta xa rời người thân cận, cũng như cho não trạng loại trừ vốn đáng tiếc vẫn xuất hiện trong nhiều chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Trong ngày lễ Hiện Xuống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét rằng: “Ngày nay, trong thế giới có quá nhiều bất hòa và chia rẽ. Chúng ta kết nối với nhau nhưng lại xa cách nhau, tê liệt bởi sự thờ ơ, bị đè nặng bởi cô đơn” (Bài giảng, 28.05.2023). Và các cuộc chiến tranh đang bùng phát khắp nơi là dấu chỉ đau thương của thực trạng ấy. Chúng ta cùng khẩn cầu Chúa Thánh Thần – Đấng của tình yêu và bình an: Xin Ngài mở ra các biên giới, phá tan những bức tường, xóa bỏ hận thù, và giúp chúng ta sống như những người con của một Cha duy nhất trên trời.

Anh chị em thân mến, chính Lễ Hiện Xuống đổi mới Giáo hội và thế giới!  Xin ngọn gió mạnh mẽ của Thánh Thần thổi đến chúng ta và trong chúng ta, mở ra các biên giới trong tim, ban cho ta hồng ân được gặp gỡ Thiên Chúa, mở rộng chân trời của tình yêu và nâng đỡ những cố gắng của chúng ta trong việc xây dựng một thế giới nơi hòa bình ngự trị.

Xin Đức Maria Rất Thánh, Người Nữ của Lễ Hiện Xuống, Trinh Nữ được Thánh Thần viếng thăm, Mẹ đầy ơn phúc, luôn đồng hành và chuyển cầu cho chúng ta.

Cuối thánh lễ, trước khi đọc kinh lạy Nữ Vương thiêng đàng cùng các tín hữu, Đức Thánh Cha nói:

Trước khi kết thúc buổi cử hành này, tôi thân ái gửi lời chào đến tất cả anh chị em hiện diện nơi đây, cũng như những ai đang kết nối qua các phương tiện truyền thông.  

Tôi cảm ơn các Đức Hồng Y và các Đức Giám Mục hiện diện, cùng toàn thể đại diện các hiệp hội, các phong trào trong Hội Thánh và các cộng đoàn mới. Anh chị em thân mến, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, ước gì anh chị em lên đường sau Năm Thánh này với tâm hồn được đổi mới. Anh chị em hãy ra đi và mang đến cho mọi người niềm hy vọng từ Chúa Giêsu!  

Tại Ý và nhiều quốc gia, năm học đang kết thúc trong những ngày này. Tôi muốn gửi lời chúc đến tất cả học sinh, sinh viên và các giáo viên, đặc biệt những ai sắp bước vào các kỳ thi cuối cấp.  

Giờ đây, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy khẩn xin Chúa Thánh Thần ban ơn bình an. Trước hết là bình an trong tâm hồn: chỉ một tâm hồn an bình mới có thể lan tỏa hòa bình đến gia đình, xã hội và các mối quan hệ quốc tế. Ước gì Thần Khí của Đức Kitô Phục Sinh mở ra những con đường hòa giải nơi nào còn chiến tranh; xin Người soi sáng các nhà lãnh đạo và ban cho họ can đảm để thực hiện những cử chỉ hòa hoãn và đối thoại.